Được truyền cảm hứng tích cực từ gia đình
Bắt đầu hiến máu khi đủ 18 tuổi theo quy định,ữngngườitrẻghiềnhiếnmáuđểcứungườcruise đến nay chị Huỳnh Thị Ngọc Lệ (30 tuổi), ngụ tại đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, đã gần 40 lần hiến máu. Mỗi năm, chị Lệ duy trì hiến máu đều đặn từ 3 - 4 lần.
"Gia đình mình có truyền thống hiến máu từ ông ngoại. Trong một lần ông ngoại bị bệnh nằm bệnh viện và cần truyền máu, thời điểm đó bệnh viện không còn nhóm máu của ngoại. Vô tình được một người bạn từ quê lên thăm, trùng nhóm máu nên hiến, thế là ông ngoại được cứu, sau khi ông xuất viện, thấy việc hiến máu có thể cứu được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn nên đã dạy con cháu lấy đó làm gương và khuyến khích con cháu nên tham gia hiến máu", chị Lệ cho hay.
Chị Lệ còn nhớ vào năm 2020, khi vô tình thấy bài viết của một chị gái có con nhỏ 3 tuổi vừa phát hiện bị ung thư máu, chị Lệ đã không ngần ngại liên hệ để hiến máu giúp đỡ cô bé đó. "Thời gian trôi qua, mỗi ngày nhìn thấy cô bé lớn lên khỏe mạnh, mình cảm thấy rất hạnh phúc vì đã giúp đỡ bé được một phần. Mình mong bản thân luôn khỏe mạnh để được tiếp tục hiến máu, giúp đỡ tất cả những người cần nó", chị Lệ chia sẻ.
Cũng giống như chị Lệ, Lê Tất Duy (28 tuổi), ngụ tại đường Nguyễn Thượng Hiền, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, đã có hành trình 10 năm với 24 lần hiến máu.
Sau mỗi lần hiến máu, Duy đều có cảm giác ăn ngon, ngủ ngon hơn. Với Duy, mỗi lần hiến máu cũng có cơ hội được kiểm tra máu của mình miễn phí.
Khi nhân viên y tế lấy máu, để hạn chế nỗi sợ kim tiêm, Duy thường nhìn đi hướng khác hoặc nghĩ về những câu chuyện vui của bản thân. Duy nói: "Mình vừa thoải mái và bớt lo lắng, vừa giúp các cô y tá dễ lấy ven máu, đỡ mất thời gian tìm ven".
Không những tham gia hiến máu, Duy còn lan tỏa tinh thần này đến các bạn trẻ khác và đồng nghiệp tại công ty bằng cách rủ họ đi hiến máu chung. "Thông điệp càng được lan tỏa, mọi người hiến máu nhiều hơn thì các bệnh nhân, người cần máu sẽ không phải đợi lâu", Duy chia sẻ.
Canh đủ 18 tuổi để được tham gia hiến máu
Khi còn học THPT, hiểu được tầm quan trọng của hiến máu nên Ngô Thị Trang (26 tuổi), ngụ tại đường Bùi Xương Trạch, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, luôn khao khát được đóng góp một phần sức nhỏ của mình vào hoạt động này. Thế nhưng vì chưa đủ tuổi nên Trang đành nán lại. Cô nàng đếm từng ngày để khi vừa đủ 18 tuổi sẽ tham gia hiến máu, đến nay Trang đã hiến được 23 lần. Trang cho biết tùy theo tình trạng sức khỏe ở thời điểm hiến mà Trang sẽ hiến với lượng máu khác nhau, thường sẽ từ 250 - 450 ml.
"Ban đầu đăng ký hiến máu tình nguyện thì bố mẹ cũng phản đối, sợ con gái yếu đi, nhưng sau đó thấy việc làm ý nghĩa và vẫn đảm bảo sức khỏe của con nên không cản nữa", Trang cho biết.
Dù đã hiến máu nhiều lần, tuy nhiên lần nào Trang cũng có cảm xúc giống như lần đầu: "Mình hồi hộp và có chút sợ khi thấy mũi kim lấy máu, nhưng chỉ là nỗi sợ thoáng qua thôi".
Để có thể hiến máu với tần suất liên tục, Trang xây dựng cho mình lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế sử dụng các loại đồ uống như bia rượu… "Mỗi khi có ý định thức khuya nhiều hay ăn uống linh tinh, mình hay tự nhủ phải giữ sức khỏe để còn hiến máu, thế là lại thay đổi cách ăn uống sinh hoạt", Trang nói thêm.
Vũ Xuân Thắng (27 tuổi), ngụ tại đường Nhân Hòa, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, hiến máu từ 2 - 3 lần trong năm. Thắng đã tham gia hiến máu cứu người từ khi còn là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Điện lực (TP.Hà Nội).
"Mình có cơ duyên tham gia vào CLB hiến máu của trường nên bắt đầu hiến từ đó. Nhận thấy những lợi ích mà hiến máu mang lại cho cộng đồng và cả cho chính bản thân nên có động lực để hiến máu định kỳ, cứ cách đủ 3 tháng là mình hiến, đến nay đã được 27 lần", Thắng kể.
Trong lần hiến máu đầu, Thắng khá sợ kim tiêm vì nhìn khá to, nhưng khi lấy máu, Thắng không có cảm giác đau như tưởng tượng. Sau mỗi lần hiến, nhận được thông báo đơn vị máu của Thắng đã được dùng cho người bệnh khiến anh vô cùng hạnh phúc. Hiện tại, mặc dù khá bận với công việc nhưng Thắng luôn sắp xếp thời gian để hiến máu đều đặn.